Công thức truyền từ nhiều đời.
Lịch sử kẹo cu đơ bao nhiêu lâu thì công thức gia truyền của nhà chị Nguyễn Thị Vân cũng có được bấy nhiêu năm. Chị là con gái của gia đình xuất thân từ huyện Hương Sơn Hà Tĩnh- là cái nôi ra đời của loại kẹo truyền thống này.
Nguyên liệu làm kẹo cu đơ – Tỉ mẩn từ khâu chọn nguyên liệu
Nguyên liệu làm ra chiếc kẹo cu đơ bao gồm: Lạc (Đậu phộng), mật mía, mạch nha, bánh tráng nướng, gừng. Tuy đơn giản, nhưng để làm ra được món kẹo cu đơ ngon đúng vị truyền thống thì từng nguyên liệu đều phải được lựa chọn và sơ chế tỉ mẩn và kĩ lưỡng.
Lạc (đậu phộng) ngon nhất được nhập từ vùng Nghi Lộc Nghệ An, lạc mua về được bóc vỏ ngay tại lò, lựa ra những hạt lạc tròn đầy, vỏ bóng.
Mật mía gia đình lựa chọn là mật mía Nghĩa Đàn Nghệ An. Mật mía ở vùng này có hương vị thơm ngon, dẻo quyện, màu cánh cam, không thể lẫn được với mật từ vùng khác. Cho thêm mạch nha giúp cho kẹo cu đơ có độ ngọt vừa miệng chứ không bị quá gắt, bánh cũng trở nên khó bị chảy khi đi lâu ngày.
Bánh tráng nướng không nơi đâu khác đó chính là bánh tráng Đô Lương xứ Nghệ. Lựa chọn bánh đa ( bánh tráng nướng) để làm kẹo cu đơ muốn ngon thì cần phải chọn loại có vị nhạt hơn những loại bánh thông thường để không làm át đi vị đúng chuẩn của kẹo cu đơ.
Gừng loại ngon nhất phải kể đến là gừng từ vùng cao Kỳ Sơn Nghệ An, loại gừng để được canh tác một cách tự nhiên của người đồng bào. Gừng Kỳ Sơn chỉ thu hoạch đúng một mùa trong năm, mua về để trữ sử dụng cho cả năm. Gừng để lâu cũng cần được bảo quản nhiệt độ ngoài trời chứ không phải loại gừng to được bảo quản ở nhiệt độ lạnh, khiến cho gừng bị ngấm nước, sẽ mất đi mùi vị cay nồng.
Tuyệt nhất khi nhâm nhi cùng chén chè xanh
Vị bùi của lạc và bánh tráng vừng, vị ngọt thơm của mía, cay nhẹ của gừng được hoà quyện vào nhau làm cho người thưởng thức cảm thấy ấm bụng. Cắn một miếng kẹo, nhâm nhi một chút nước chè xanh ngồi trò chuyện thì chẳng còn chi bằng.
“Chè xanh thêm chút gừng cay – Cu đơ Nghệ Tĩnh làm say lòng người”.